Sau thời gian dài im hơi lặng tiếng, cuối cùng Moshow Toys cũng đã quay trở lại đường đua mô hình với một cấp độ mô hình hoàn toàn mới “ILLUSTRIOUS CLASS” (Cấp độ xuất sắc). Tiên phong cho cấp độ này là một mẫu mô hình tuy mới mà cũ, tuy lạ mà quen, và mẫu mô hình mình đang nhắc đến ở đây, không ai khác chính là đứa con cưng của Moshow Toys - Takeda Shingen.
Lần trở lại này không phải là một phiên bản sơn đen hay sơn bạc, cũng không phải là màu vàng gold rực rỡ, mà là một mẫu mô hình được thu nhỏ với tỷ lệ 1/100. Tên đầy đủ của mẫu mô hình lần này là “Illustrious Class Tiger of Kai” tỷ lệ 1/100 và đương nhiên nó vẫn thuộc dòng sản phẩm “Progenitor Effect”.
Trong bài viết này, các bạn hãy cùng mình khám phá mẫu mô hình “Mãnh Hổ xứ Kai” của Moshow Toys và tìm hiểu xem liệu mẫu mô hình lần này có điểm gì khác biệt so với phiên bản Takeda Shingen tỷ lệ 1/72 trước đó hay không nhá.
MUA MÔ HÌNH TAKEDA SHINGEN 1/100
1. Story - Câu Chuyện
Takeda Shingen (武田信玄, 1521–1573) là một lãnh chúa samurai (daimyo) nổi tiếng của Nhật Bản thời Chiến Quốc, được mệnh danh là "Mãnh Hổ xứ Kai" nhờ tài năng quân sự và sức mạnh chính trị vượt trội. Ông cai trị tỉnh Kai (nay là tỉnh Yamanashi) và trở thành một trong những chiến binh hàng đầu thời kỳ này, nổi bật với những cuộc chiến chống lại các gia tộc đối thủ như Uesugi, Hojo, và đặc biệt là Oda Nobunaga, lãnh chúa nổi danh khác cũng đang vươn lên mạnh mẽ vào thời điểm đó.
Shingen được biết đến với chiến thuật xuất sắc và tư duy chiến lược sắc bén. Một trong những chiến dịch nổi tiếng nhất của ông là cuộc xung đột với Uesugi Kenshin, mà đỉnh điểm là trận chiến tại Kawanakajima, một trong những trận đấu kinh điển trong lịch sử quân sự Nhật Bản, diễn ra qua nhiều cuộc đụng độ từ năm 1553 đến năm 1564. Shingen cũng có công lớn trong việc cải cách kinh tế và quân sự của vùng đất Kai, giúp nó trở thành một trong những vùng lãnh địa thịnh vượng và ổn định nhất thời bấy giờ.
Takeda Shingen còn nổi bật với việc sử dụng câu châm ngôn Phong, Lâm, Hỏa, Sơn (風林火山), một chiến lược lấy cảm hứng từ Tôn Tử Binh Pháp, có nghĩa là: "Nhanh như gió, tĩnh lặng như rừng, dữ dội như lửa, vững chãi như núi." Tinh thần chiến đấu này đã làm tăng cường sức mạnh của đội quân Takeda, để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử Nhật Bản.
2. Box - Hộp
Đánh giá nhanh về phần hộp của con này, mình thấy là cái thiết kế của nó cũng tương tự như con Takeda Shingen tỷ lệ 1/72 nhưng có phần được tối giản hóa hơn. Mặt trước và mặt sau in hình Takeda rất là to, chiếm phần lớn bề mặt hộp, bên dưới thì có tên gọi sản phẩm “Mãnh Hổ xứ Kai” bằng tiếng Trung với màu vàng kim nhìn cực kỳ là nổi bật.
Ngoài ra thì nó còn có tên dòng mô hình là “Illustrious class painted model with metal frame” tức là “Mô hình xuất sắc được sơn với khung kim loại”. So với phần hộp của Takeda tỷ lệ 1/72, các mặt bên đều được in hình Takeda, mặc dù chỉ là một hình giống nhau nhưng vẫn được phủ kín cả bốn mặt.
Còn ở mẫu sản phẩm lần này thì hình ảnh đã bị lược bỏ, chỉ còn lại tên sản phẩm, dòng mô hình, cùng một vài thông tin cơ bản như địa chỉ sản xuất và mã vạch. Về phần màu sắc của hộp thì mình khá là thích, hộp sử dụng nền tối với chữ vàng rất là nổi bật, tạo cảm giác sang trọng và cao cấp, nói chung vừa nhìn vào là đã thấy toát lên vẻ chất lượng cao rồi.
Bên trong hộp, chúng ta sẽ có:
- - Takeda tỷ lệ 1/100
- - Rìu chiến x1
- - Kiếm katana x2 (1 ngắn / 1 dài)
- - Cặp bàn tay thay thế x5
- - Bảng tên từ tính x1
- - Giá đỡ x1
- - Part gắn kiếm x3
- - Hộp quà bí ẩn x1
- - Sách hướng dẫn x1
3. Gacha - Hộp Quà Bí Ẩn
Nếu bạn nào đã từng trải nghiệm mẫu mô hình Takeda Shingen tỷ lệ 1/72, chắc chắn sẽ quen thuộc với hệ thống gacha, một tính năng đặc trưng trong nhiều trò chơi và mô hình sưu tập. Gacha, hay còn gọi là gachapon, là một thuật ngữ trong văn hóa Nhật Bản, ám chỉ hệ thống "quay số" hoặc "rút thăm" để nhận các phần thưởng ngẫu nhiên, thường là các nhân vật hoặc món đồ.
Người chơi thường sẽ đầu tư một khoản chi phí nhỏ để quay số, và kết quả có thể là một món đồ hiếm, một phiên bản đặc biệt hoặc đơn giản là một món đồ thông thường. Điều này tạo ra yếu tố bất ngờ và hồi hộp, khiến cho trải nghiệm trở nên thú vị hơn.
Với mẫu Takeda Shingen tỷ lệ 1/100 này, hệ thống gacha cũng được tích hợp, mang đến cho người chơi nhiều cơ hội để khám phá các phần thưởng khác nhau, từ đó làm cho trải nghiệm sưu tập trở nên độc đáo và hấp dẫn hơn bao giờ hết. Bây giờ, các bạn hãy cùng mình tìm hiểu xem, với mẫu Takeda Shingen tỷ lệ 1/100 sẽ có những món quà gacha gì nhé.
3.1. Gacha Extremely Rare - Cực Kỳ Hiếm
- - Thẻ đổi quà miễn phí Takeda Shingen Ver Black Gold tỷ lệ 1/100.
- - Thẻ đổi quà miễn phí Takeda Shingen Ver Titanium Silver tỷ lệ 1/100.
3.2. Rare - Hiếm
- - Thẻ mua Takeda Shingen bản thường (Red) tỷ lệ 1/72 với giá gốc.
- - Thẻ mua Takeda Shingen Ver Black Gold tỷ lệ 1/72 với giá gốc.
3.3. Gacha Common - Phổ Biến
- - Hiệu ứng rìu chiến - màu sắc ngẫu nhiên.
- - Kiếm ngắn - màu sắc lưỡi kiếm ngẫu nhiên.
- - Kiếm dài - màu sắc lưỡi kiếm ngẫu nhiên.
- - Đầu thay thế.
4. Appearance - Ngoại Hình
Trước khi đi vào phần so sánh, mình sẽ đánh giá tổng quan về mẫu mô hình này một chút. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, đây là một con Takeda Shingen có thiết kế nhỏ gọn hơn rất nhiều – tất nhiên với tỷ lệ 1/100 thì nó phải nhỏ hơn bản tỷ lệ 1/72 rồi. Cụ thể, từ một Takeda Shingen to cao, đẹp trai với chiều cao là 29.5 cm, giờ đây đã giảm xuống chỉ còn 21.5 cm mà thôi, tức là nó đã lùn đi 8 cm. Nhìn chung thì với với một kích thước như vậy, cầm khá là vừa tay, không bị quá to hay quá nhỏ.
Về màu sắc, tông màu chủ đạo vẫn là màu đỏ, được điểm xuyết bởi các chi tiết giáp màu đen và vàng gold rất là nổi bật. So với bản tỷ lệ 1/72, nước sơn của Takeda tỷ lệ 1/100 có phần mờ và ít bóng hơn, nhưng màu sắc lại nhìn tươi sáng và sống động hơn rất nhiều. Còn về biên độ cử động thì ít nhiều có phần bị hạn chế nhưng không đáng kể cho lắm.
Tuy nhiên, nói về tạo hình, chúng ta cần phải hiểu rằng là “tiền nào của nấy”, nhiều tính năng và gimmick đã bị lược bỏ, độ chi tiết và góc cạnh cũng đã giảm bớt, với nhiều mặt phẳng hơn. Mặc dù vậy, vẫn có nhiều bộ phận được giữ nguyên, chỉ phân cấp lại màu sắc và một vài chi tiết thì còn được cải thiện hơn. Đó là phần đánh giá tổng quan của mình, bây giờ các bạn hãy cùng mình đi sâu vào chi tiết để khám phá sự khác biệt giữa Takeda Shingen tỷ lệ 1/100 và Takeda Shingen tỷ lệ 1/72 nhá!
4.1 Head - Đầu
Phần đầu là bộ phận duy nhất mà mình nhận thấy thiết kế ngoại hình của nó gần như được giữ nguyên, không có bất kỳ thay đổi đáng kể nào. Điểm khác biệt lớn nhất so với con Takeda 1/72 là các khoảng trống ở phía sau đầu không được sơn đen, tạo cảm giác như có khoảng hở, khiến phần giáp trông như được chia tách thành nhiều phần thay vì liền mạch như một khối. Chi tiết này theo mình thấy thì nó cũng không ảnh hưởng gì nhiều cho lắm.
Biên độ cử động của phần đầu rất thoải mái, các chuyển động cúi, gập, xoay đều mượt mà. Ở phiên bản Takeda 1/72, phần cổ sẽ di chuyển theo phần đầu, nhưng với Takeda 1/100, chi tiết này đã bị lược bỏ. Phần cổ giờ chỉ có thể đẩy ra phía trước. Theo mình, điều này không cần thiết cho lắm, dù nó có thể tăng một chút về biên độ khi ngửa mặt lên, nhưng lại hạn chế khi cúi xuống, và nhìn vào cũng không mấy tự nhiên khi mà cổ được đẩy ra phía trước như vậy.
Nếu bạn nào đã từng trải nghiệm hoặc xem qua các video về mẫu Takeda 1/72, chắc hẳn sẽ biết rằng phần đầu có hai tính năng khá đặc biệt. Cụ thể, phần mắt sẽ được trang bị đèn LED và phía sau đầu thì có thể gắn thêm một bộ tóc màu đỏ đang ngả dần sang trắng. Dựa trên danh sách phụ kiện, mẫu Takeda 1/100 này vẫn giữ lại tính năng đèn LED, còn phần tóc đã bị lược bỏ. Phải thừa nhận rằng phần tóc tạo nên điểm nhấn khá đẹp, nên việc bị loại bỏ như vậy cũng hơi đáng tiếc.
Nói về phần đèn LED của Takeda 1/100 thì nó sẽ được đặt ở phía sau đầu. Nếu như các bạn cần thay pin mới, chỉ cần tháo nhẹ phần giáp phía sau đầu ra là được. Đèn LED này sẽ hoạt động nhờ vào hai viên pin AG1. Khác với mẫu Takeda 1/72, nơi bạn có thể bật đèn bằng cách bấm vào chi tiết màu xanh lá ở trên trán, còn với mẫu Takeda 1/100 thì cơ chế này đã bị loại bỏ. Vậy công tắc nằm ở đâu và làm sao để mở đèn? Thực chất, việc bật đèn LED rất đơn giản và tiện lợi, nhờ vào cơ chế đóng mở bằng nam châm. Bạn chỉ cần cầm bảng tên từ tính và đưa lại gần mắt hoặc phía sau đầu của Takeda là đèn sẽ tự phát sáng. Mẫu Takeda 1/100 sẽ cung cấp hai kiểu đèn khác nhau là sáng rõ và sáng dần, với độ sáng không hề thua kém so với phiên bản 1/72.
4.2 Body - Thân
Phần thân của mẫu Takeda 1/100 cũng có những sự thay đổi nhất định. Về mặt cảm quan, khuôn mặt hổ của Takeda 1/72 trông dữ tợn hơn với đôi mắt híp và bộ răng nanh sắc nhọn, cùng với các đường nét sắc sảo, tạo nên một vẻ hung dữ và sẵn sàng tấn công. Ngược lại, khuôn mặt hổ của Takeda 1/100 lại mang đến cảm giác hiền lành hơn, với đôi mắt mở to và biểu cảm hơi ngạc nhiên, kết hợp với các đường nét mềm mại, tạo nên sự thân thiện và dễ gần hơn.
Đó là về mặt cảm quan bên ngoài, giờ chúng ta hãy cùng nhau đi sâu vào chi tiết để xem sự khác biệt của nó như thế nào nhé.
Điểm thay đổi đầu tiên là các chi tiết tản nhiệt màu vàng, tượng trưng cho phần râu của con hổ, cùng với các chi tiết tản nhiệt ở khóe miệng đã được thu nhỏ đáng kể so với phiên bản tỷ lệ 1/72. Việc này khiến cho phần giáp ngực có vẻ nhỏ hơn, tạo cảm giác tổng thể hơi mất cân đối do phần thân đã trở nên ngắn đi.
Tiếp theo là phần sống mũi của con hổ. Ở bản 1/72, phần sống mũi có các chi tiết giáp đen lớn dần về phía sau, định hình rõ ràng một chiếc sống mũi to và dài, tạo điểm nhấn mạnh mẽ. Trong khi đó, ở phiên bản 1/100, phần sống mũi chỉ còn lại một chóp mũi hình tam giác, và phần giáp đen phía sau trông giống như một phần giáp cổ áo hơn là một chi tiết bổ trợ cho phần sống mũi. Đây cũng là một trong số các yếu tố khiến khuôn mặt con hổ của Takeda 1/100 trông thân thiện và dễ gần hơn.
Ngoài ra, chi tiết phần cằm màu đen của con hổ cũng đã bị lược bỏ, mình thấy là phần thân đã ngắn đi khá nhiều nên việc lược bỏ đi để tăng biên độ gập, mang lại tính linh hoạt hơn cho mô hình cũng khá là hợp lý.
Giờ thì hãy cùng xem phía sau lưng của em nó còn những cái gì nhá. Như các bạn có thể thấy, hầu hết các chi tiết đã bị lược bỏ, chỉ còn lại những mặt phẳng đơn giản. Có cái xương sống vẫn còn ăn tiền thì hãng cũng cố kéo cái váy sau cao lên che đi nốt luôn. Còn về tính năng của phần giáp bả vai, khả năng mở ra khi đẩy tay về phía trước, tất nhiên là nó bị lược bỏ.
Trừ khả năng xoay người khi nó có đôi chút hạn chế do vướng phần giáp váy phía sau ra thì các thao tác khác như gập, nghiêng vẫn giữ được như cũ, vẫn cứ là okela.
4.3 Waist - Eo
Xuống với phần giáp váy, đây có thể nói là bộ phận có sự thay đổi rõ rệt nhất của con Takeda 1/100. Sự khác biệt lớn nhất là phần giáp váy trước đã được thay đổi từ kiểu vuốt nhọn và nhỏ sang thiết kế giáp lớn và góc cạnh hơn. Không biết cảm nhận của mọi người như thế nào, nhưng với cá nhân mình thì khá ưng chi tiết này. Nó mang đến sự cân đối về kích thước và chiều dài so với các phần giáp xung quanh, giúp tổng thể trông đầy đặn, cứng cáp và chắc chắn hơn rất nhiều so với kiểu giáp vuốt nhọn và ngắn như của bản tỷ lệ 1/72.
Về phần giáp hai bên của Takeda 1/100, chúng vẫn là một mảnh liền như ở bản 1/72. Tuy nhiên, điểm khác biệt là bản 1/100 không có các khoảng hở dưới mỗi mảnh giáp như bản 1/72, khiến chi tiết trở nên kém sinh động hơn. Ở phiên bản Takeda 1/72, các khoảng hở này tạo hiệu ứng thị giác như lớp giáp trên đè lên lớp giáp dưới, khiến tổng thể trông sống động và chân thực hơn. Ngược lại, ở bản Takeda 1/100, dù có đường phân chia thành ba phần, tổng thể vẫn trông như một khối duy nhất, làm giảm đi tính chi tiết và tinh tế.
Như các bạn có thể thấy, các chi tiết ở phần giáp váy sau của Takeda 1/100 gần như đã bị lược bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, may mắn là vẫn có một chút điều chỉnh để tổng thể trông hài hòa và hợp mắt hơn. Về biên độ cử động, phần giáp váy của Takeda 1/100 vẫn duy trì được sự linh hoạt như phiên bản 1/72, không có sự khác biệt nào đáng kể. Tuy nhiên, có một điểm mà mình không ưng ý ở phần giáp này, đó là thiết kế chốt gắn của giáp váy trước và sau. Thay vì được gắn cố định thì chốt này lại là dạng chốt xoay lên xuống, khiến khi thao tác hoặc cầm nắm, phần giáp cứ nhấp nhô như cái bập bênh, gây cảm giác khá khó chịu.
4.4 Arms - Cánh Tay
Sự khác biệt khá là rõ rằng khi mà phần giáp vai không còn là kiểu tách thành từng phần như Takeda 1/72 nữa mà đã trở thành một mảnh duy nhất và cái thiết kế của nó cũng sẽ hơi khác một chút. Tương tự phần giáp váy bên, giáp vai vẫn có các đường phân chia giúp tạo cảm giác như được tách thành nhiều mảnh riêng biệt. Điểm nhấn nổi bật nhất là các chi tiết màu vàng gold chạy dọc theo phần giáp, mang đến sự chắc chắn, cứng cáp và ấn tượng mạnh mẽ.
Về phần giáp vai bên trong, có thể nói rằng nó đã bị lược bỏ gần như toàn bộ chi tiết. Những phần giáp có khả năng mở ra phía trước hay di chuyển lên xuống cũng đã không còn, khiến cho phần giáp này trông khá cơ bản.
Nói về phần cánh tay, mình thấy rằng không có sự khác biệt đáng kể nào so với phiên bản trước. Chỉ thêm một hai chi tiết nhỏ cho nó bớt trống cũng như là phân cấp lại màu sắc ở một số chi tiết nhỏ thôi. Điểm cộng của cái phần cánh tay này là nằm ở việc, hãng đã quyết định đổi từ khớp kết nối bàn tay là khớp chữ C sang khớp bi. Nói chung chung thì khớp bi nó vẫn linh hoạt và chắc chắn hơn khớp chữ c, khi thay thế hay thao tác cũng không lo bị gãy. Có một cái khá là khó hiểu đó là trên phần cẳng tay có một cái lỗ, như con Takeda 1/72 thì nó là một cái chi tiết hình tam giác. Mình thì không biết cái lỗ này có cái tác dụng gì không hay là chỉ thêm cho nó vui thôi, bởi vì mình cũng gắn thử nhiều chốt khác nhau mà không cái nào vừa.
Về biên độ cử động thì nó vẫn giữ ý nguyên như phiên bản trước, không có thêm hay hạn chế gì cả. Tất nhiên là cái pít tông có hiệu ứng thụt ra thụt vào khi gập cánh tay là bị lược bỏ rồi, không có gì bất ngờ cho lắp.
Chúng ta sẽ có 5 cặp bàn tay thay thế khác nhau, bao gồm:
- - Bàn tay đấm
- - Bàn tay cầm kiếm
- - Bàn tay cầm kiếm nhưng mở rộng tay hơn
- - bàn tay xòe vừa
- - Bàn tay xòe hết cỡ
4.5 Legs - Chân
Cũng tương tự như phần cẳng tay, phần chân cũng không có nhiều khác biệt đáng kể. Điều dễ nhận thấy nhất có lẽ là hai chi tiết màu đen ở phần móng vuốt đã bị lược bỏ, trong khi đó phần giáp ở mắt cá chân vẫn giữ nguyên thiết kế, chỉ thay bằng hai họa tiết nhỏ hơn mà thôi.
Phần bắp chân, ngoài việc được thiết kế với diện mạo mới và ít chi tiết hơn, thì cơ chế chuyển động của nó vẫn được giữ nguyên, chỉ khác là thiếu đi một phần giáp. Còn về phần bàn chân, ngoại hình cũng không có gì khác biệt, chỉ có khớp là không được đa dạng như phiên bản trước nên biên độ cử động bị hạn chế một chút, nhưng điều này cũng không gây ảnh hưởng đáng kể.
Điểm trừ duy nhất ở phần chân này nằm ở phần giáp mắt cá chân, nó được tách đôi ra và rất là dễ bị xô lệch luôn. Nói về về biên độ cử động thì nó cũng được giữ y nguyên như phiên bản Takeda 1/72, chỉ khác là khi gập phần giáp đùi không trượt theo mà thôi.
5. Accessory - Phụ Kiện
5.1 Rìu Chiến
Dành một lời khen cho Moshow Toys khi họ quyết định thiết kế một cây rìu hoàn toàn mới thay vì tái sử dụng mẫu cũ. Cây rìu lần này thuộc loại rìu một lưỡi, kết hợp với các yếu tố công nghệ hiện đại, tạo nên một vẻ ngoài cực kỳ mạnh mẽ và ấn tượng.
5.2 Kiếm Katana
Nói về Katana thì nó cũng na ná nhau thôi, chỉ hơn nhau về cái bao kiếm bên ngoài mà thôi chứ bên trong vẫn là cây kiếm cơ bản với lưỡi bạc và vân gợn sóng. Kiếm của Takeda 1/10 thì sẽ có họa tiết được sơn trải đều từ đầu đến cuối chứ không chơi kiểu lằn chìm như của bản 1/72. Về số lượng thì phiên bản Takeda 1/100 sẽ ít hơn một cây kiếm, chỉ còn một cây ngắn, một cây dài mà thôi. Ngoài kiếm ra thì chúng ta được cho thêm mấy 3 cái chốt gắn kiếm, với hai lẻ một đôi. chúng ta có thể gắn kiếm ở hai bên hông hay sau lưng đều được.
6. Base - Giá đỡ
Mặc dù phần base của mẫu Takeda 1/100 nhỏ hơn và không có vẻ chuyên nghiệp như phiên bản 1/72, nhưng nó vẫn giữ được đầy đủ các tính năng cần thiết. Một trong những điểm nổi bật là tính năng nam châm ở bề mặt, giúp cho Takeda đứng vững chắc hơn. Ngoài ra, chúng ta còn được cung cấp một thanh que bằng kim loại và một trục nhựa trong suốt, hỗ trợ cho việc tạo dáng Takeda trong không. Không dừng lại ở đó, base còn đi kèm với một thanh gắn cặp bàn tay thay thế, và thanh này có thể dễ dàng gắn vào base, giúp tiết kiệm không gian và tiện lợi trong việc lưu trữ các chi tiết nhỏ này.
7. Overview - Đánh Giá Tổng Quan
Mình vẫn muốn nhắc lại một lần nữa rằng "tiền nào của nấy". Bạn không thể nào lấy tiêu chí và kỳ vọng của mẫu Takeda Shingen tỷ lệ 1/72, có giá gốc rơi vào khoảng 3 triệu đồng, để áp dụng cho Takeda tỷ lệ 1/100 chỉ với giá gần bằng một nửa. Điều này không có nghĩa là mẫu 1/100 kém chất lượng, mà chỉ đơn giản là nó được thiết kế để phù hợp với mức giá và phân khúc thị trường mà nó hướng tới. Nếu bạn đang tìm kiếm một mô hình thú vị, dễ tiếp cận và có giá cả phải chăng, thì Takeda Shingen 1/100 chắc chắn là một lựa chọn đáng xem xét.
Sau đây là bảng điểm tham khảo dựa trên quan điểm cá nhân của HAKUDA Store:
MUA MÔ HÌNH TAKEDA SHINGEN 1/100
8. Phòng trưng bày