Chào mừng bạn đến với Hakuda Hobby Store

Review mô hình Tengu Judge - Câu chuyện bí ẩn đằng sau bạn chưa biết?

Người đăng: HAKUDA | 25/10/2024

Truyền thuyết về Tengu, một sinh vật thần thoại với ngoại hình độc đáo, mạnh mẽ nhưng cũng đầy bí ẩn vẫn luôn là một nguồn cảm hứng bất tận dành cho các nhà sáng tạo. Với chiếc mũi dài, khuôn mặt đỏ, lông mày chau có và đôi cánh khổng lồ, Tengu đã trở thành biểu tượng văn hóa đặc sắc của Nhật Bản.

Từ truyền thuyết, hình ảnh Tengu đã được chuyển thể lên màn ảnh rộng, rồi len lỏi vào các tựa game đình đám. Và giờ đây, Tengu một lần nữa được tái hiện đầy mới lạ qua phong cách mecha trong mẫu mô hình Tengu Judge Yoshitsune, sản phẩm hợp tác giữa Ming Jiang Legend và Sunday Hobby. Nhưng liệu thiết kế này có thực sự khắc họa hình ảnh huyền thoại của Tengu, hay chỉ đơn giản là một robot mang vài nét đặc trưng của Tengu?

Hãy cùng mình khám phá chi tiết và đánh giá mẫu mô hình này nhé!

 MUA MÔ HÌNH TENGU JUDGE TẠI ĐÂY

1. Tengu - Vị thần Thiên Cẩu nổi tiếng trong văn hóa dân gian của Nhật Bản

Trước khi đi sâu vào chi tiết của mẫu mô hình, chúng ta hãy tìm hiểu về nguồn gốc của Tengu.

Tengu (天狗 - Thiên Cẩu) là một loại sinh vật thần thoại trong tín ngưỡng Thần đạo (Shinto). Chúng được coi là một loại yokai (sinh vật siêu nhiên) hoặc kami (thần linh) trong văn hóa dân gian của Nhật Bản. Tengu thường được biết đến là một vị thần có chiếc mũi dài quá cỡ, mặt đỏ, mày chau và đôi cánh lớn. Nhưng liệu bạn có biết trong thế giới Tengu, có tới hai loài khác nhau là Daitengu và Kotengu hay không?

Daitengu (大天狗 – Đại Thiên Cẩu), hay còn có tên gọi khác là Hanataka - Tengu (鼻高天狗 - Tengu mũi cao), là loài Tengu được biết đến rộng rãi ngày nay và thường được miêu tả giống con người. Chúng thường xuất hiện với hình dạng là một người đàn ông mặc một chiếc áo choàng của một nhà sư khổ hạnh, đầu đội mũ tokin, mặt đỏ, mũi dài, có đôi cánh lớn và trên tay thường cầm một chiếc quạt bằng lá hoặc lông vũ.

Các Daitengu sống ở trên núi cao hoặc rừng sâu, sở hữu nhiều kỹ năng đặc biệt như có thể bay, điều khiển gió, thông thạo kiếm thuật và phép thuật. Chiếc quạt lớn trên tay của Daitengu thường được dùng để tạo ra các trận gió lớn nhằm mục đích gây ra chiến tranh hoặc thiên tai. Nhiều khi có các thảm họa lớn hoặc thiên tai vẫn được cho là do cơn thịnh nộ của một Daitengu mạnh mẽ gây ra.

Tuy nhiên, Daitengu lại thường được gắn liền với các câu chuyện tốt đẹp, giúp đỡ con người. Đôi khi là chỉ dạy và truyền đạt kiến thức về kiếm thuật hoặc phép thuật cho người mà Tengu cho là xứng đáng.

Loài còn lại trong họ Tengu là Kotengu (小天狗 – Tiểu Thiên Cẩu), hay còn được gọi là Karasu - Tengu (烏天狗 – Tengu quạ). Mặc dù “Karasu” có nghĩa là con quạ nhưng những Tengu này lại có hình dạng của các loài chim săn mồi. Chúng cũng mặc áo choàng giống như các nhà sư và đội mũ tokin nhưng lại có ngoại hình và hành vi giống động vật hơn là con người.

Tuy có vẻ ngoài hung dữ hơn nhưng Kotengu lại có tính cách hoàn toàn trái ngược so với Daitengu. Chúng thường được miêu tả là những sinh vật nghịch ngợm, thích chơi đùa, trêu chọc con người và các sinh vật khác.

Các câu chuyện kể về Kotengu thường là trêu chọc người khác hoặc là kết bạn với một ai đó.

Có nhiều nguồn thông tin cho rằng, ban đầu chỉ có một Tengu duy nhất là Kotengu. Một Yokai gắn liền với tai họa như chiến tranh và thiên tai. Nhưng dần theo thời gian, chúng ngày càng phát triển giống như con người hơn và mất dần đi hình dạng chim ban đầu.

Hình ảnh về một Yokai phá hoại và là điềm báo của chiến tranh dần phai mờ và trở thành những linh hồn bảo hộ, được người dân Nhật Bản tin rằng Tengu là một vị thần hộ mệnh, mang lại phước lành và sự bình an.

Ngày nay, khi nhắc đến Tengu, hầu như Daitengu luôn chiếm ưu thế và trở thành biểu tượng của loài sinh vật thần thoại này.

2. Sự thú vị trong tên gọi “Tengu Judge Yoshitsune”

Chi tiết này thì hoàn toàn không được nhà sản xuất đề cập đến nhưng mình cũng thấy nó khá thú vị nên muốn chia sẻ cho mọi người. Đó là trong tên gọi của sản phẩm có nhắc đến “Yoshitsune”, đây là tên của một samurai nổi tiếng và hoàn toàn có thật trong lịch sử Nhật Bản. Ông có tên gọi đầy đủ là Minamoto no Yoshitsune (1159-1189), sống vào cuối thời Heian và đầu thời Kamakura. Ông là chỉ huy của gia tộc Minamoto. Trong Chiến tranh Genpei , ông đã chỉ huy một loạt các trận chiến lật đổ nhánh Ise-Heishi của gia tộc Taira, giúp người anh cùng cha khác mẹ Yoritomo củng cố quyền lực.

Tuy nhiên, cuộc đời ông lại có một cái kết bi thảm. Sau trận Dan no Ura, tiêu diệt nhà Taira, Yoshitsune bị chính người anh Yoritomo nghi ngờ và trở mặt. Cuối cùng ông phải giết vợ và con mình để tránh bị làm nhục và chính bản thân ông cũng tiến hành mổ bụng tự sát. Ngoài sự nổi tiếng từ xuất thân và các chiến công hiển hách thì tài năng võ thuật xuất trúng của ông còn được biết đến thông qua một giai thoại nổi tiếng, đó là ông đã được chỉ dạy bởi Soujoubou, một Tengu nổi tiếng được mệnh danh là vua của Tengu. Ông là một Daitengu sống trên núi Kurama ở phía bắc Kyoto.

Soujoubou có ngoại hình giống như một yamabushi (một ẩn sĩ trên núi), đầu đội mũ tokin, có mái tóc trắng và một chiếc mũi dài bất thường. Ông được cho là cực kỳ mạnh mẽ và sở hữu sức mạnh của một ngàn Tengu. Ông đã huấn luyện cho một cậu bé có tên là Ushiwaka-maru về phép thuật, chiến thuật quân sự và kiếm thuật không ai sánh bằng. Sau này, Ushiwaka-maru lớn lên và trở thành Minamoto no Yoshitsune, một chiến binh nổi tiếng với kiếm thuật vô song.

Minamoto no Yoshitsune

Vua của Tengu dạy võ thuật cho Yoshitsune

3. Ý tưởng thiết kế

Ý tưởng thiết kế chính của mẫu sản phẩm lần này là Tam Túc Kim Ô (một sinh vật thần thoại trong văn hóa Á Đông) kết hợp với các yếu tố của vị thần Garuda (một loài chim thần trong Ấn Độ giáo). Đây là một sự khó hiểu đến từ nhà sản xuất, khi mà chủ đề của mô hình là Tengu nhưng lại thiết kế dựa trên Garuda và Tam Túc Kim Ô.

Ngay từ khi thiết kế, họ đã không dựa trên Tengu rồi nên các yếu tố gợi nhắc về vị thần này cũng cực kỳ là mờ nhạt, chủ yếu là tập trung vào phần vũ khí và khuôn mặt thay thế Tengu. Về phong cách thiết kế của mẫu mô hình lần này thì nó có phần tương đồng so với mẫu Akai Oniwaka Kiyomori, một mẫu model kit ra mắt trước đó của Ming Jiang Legend.

Theo  như mình thấy thì Tengu có phần được tinh chỉnh để trở nên cân đối, tối giản hóa và cải thiện hơn so với Akai.

4. Inner Frame - Khung xương

Mặc dù có phần tương đồng về ngoại hình nhưng Akai và Tengu lại có bộ khung xương khác hẳn nhau. Có vẻ như nhà sản xuất đã tinh chỉnh hơi quá tay thì phải. Khi mà phần inner frame của Akai nhìn đúng chất là một bộ khung xương của một người máy cơ khí, trong khi Tengu thì lại nhìn không khác gì người que.

Mặc dù inner frame có phần đơn giản nhưng được cái chi tiết cơ khí cũng không cao. Điểm đặc biệt nhất của phần khung xương này nằm ở ba khớp chịu lực chính là vai, hông và mắt cá chân đều là các chi tiết kim loại. Nhìn sơ qua phần khung xương thì ta cũng đoán được ít nhiều về biên độ cử động của nó.

Có thể dễ dàng nhìn thấy phần khung xương có khớp mở rộng ở vai và hông với một biên độ cử động cực kì tuyệt vời. Về độ chi tiết thì cũng tương đối, nó mang lại cho mình một cảm giác rất là hiện đại, rất là công nghệ nhưng mà các chi tiết về cơ khí máy móc thì lại khá là ít.

5. Appearance - Ngoại Hình

Tengu có tỉ lệ cơ thể cân đối với chiều cao khoảng 28 cm. Màu sắc chủ đạo là xanh dương và trắng được phối với nhau khá là hài hòa. Ngoài ra còn có các chi tiết màu vàng gold cũng cực kỳ là bắt mắt.

Các chi tiết về máy móc cơ khí thì chỉ ở mức ổn, mình thấy đa phần là các chi tiết tản nhiệt. Nó xuất hiện khá nhiều, gần như trải đều trên khắp cơ thể. Sơ qua một chút về ngoại hình là như vậy, bây giờ các bạn hãy cùng mình tìm hiểu chi tiết từng bộ phận nhé.

5.1. Head - Đầu

Phần đầu được thiết kế mang lại cảm giác rất trẻ trung nhưng vẫn giữ được sự mạnh mẽ và cool ngầu. Có các chi tiết cách điệu như phần cánh ở hai bên, phần sừng thì trông giống như một con chim đang bay. Đường viền màu vàng trên trán là đường nét trừu tượng, gợi nhớ đến vật tổ Tam Túc Kim Ô.

Chi tiết này thì hoàn toàn là dán decal. Ngoài phần mặt bình thường với mắt màu xanh và miệng để lộ răng nanh thì ta còn có thêm hai khuôn mặt thay thế. Nói đúng hơn là 1,5 bởi vì phần mặt thứ hai chỉ là thay chi tiết phần miệng từ ngậm sang há mà thôi. Đặc biệt nhất vẫn phải là “khuôn mặt Tengu”. Khuôn mặt này được chia ra làm hai nửa, với nửa trên là mặt đỏ với chiếc mũi dài đặc trưng của Tengu, còn nửa dưới là phần cằm được sửa lại trông góc cạnh hơn.

Và một thứ không thể thiếu là phần tóc màu vàng gắn ở phía sau đầu. Phần tóc này thì khá là lớn, hạn chế biên độ cử động của phần đầu. Nếu không gắn thêm tóc thì phần đầu có thể xoay, cúi gập thoải mái vì có khớp mở rộng ở cổ.

5.2. Body - Thân

Chi tiết nổi bật nhất của Tengu vẫn là phần giáp ngực khi mà nó được thiết kế cách điệu khuôn mặt đầu chim của Garuda theo kiểu cơ giới hóa có phần dữ tợn và đáng sợ, cuộn giấy được ngậm chặt trong miệng lại càng tăng thêm phần bí ẩn.

Phần miệng hoàn toàn có thể mở ra và lấy cuộn giấy ở bên trong. Phần eo được thiết kế thon gọn hơn trông khá là ổn áp. Ở hai bên thân còn có chi tiết hai chiếc lông chim nhỏ có thể duỗi ra gập vào. Mình thấy chi tiết này khá là thừa thãi khi mà duỗi thẳng ra thì nó bị vướng vào phần giáp váy, hạn chế biên độ cử động của thân, còn gập vào thì trông ổn hơn một chút.

Lúc này phần thân đã có thể xoang ngang, cúi xuống thoải mái. Nói chung thì mình vẫn thấy chi tiết này không cần thiết cho lắm.

5.3. Waist - Eo

Phần giáp váy thì hoàn toàn là các khớp bi nên đều có thể mở ra mở vào thoải mái. Phần váy hai bên thì có thêm khớp gập, có thể gập một chút vào bên trong. Phần giáp váy trước thì có thể trượt ra nhưng bên trong lại trống rỗng, còn phần váy sau thì vốn đã mở sẵn một chút nên chỉ mở rộng ra chứ không có thêm chi tiết gì.

Mặt phía bên trong của giáp váy cũng không có gì nổi bật.

5.4. Arms - Cánh tay

Phần giáp vai khá lớn, nhiều chi tiết máy móc, có các chi tiết lông chim được cách điệu để làm cho phần giáp vai dài ra và cân đối hơn so với tổng thể. Phần cánh tay nhìn khá là thú vị khi mà bắp tay thì góc cạnh còn cẳng tay thì lại bo tròn, có thêm một phần giáp ở cẳng tay với lưỡi kiếm nhô ra.

Phần lưỡi kiếm này khi không được dùng đến thì sẽ phải quay cả phần giáp cẳng tay về phía sau. Với mình thì phần lưỡi kiếm này khá là vướng, nếu mà nó được thiết kế theo kiểu có thể gập vào và mở ra khi cần thì trông nó sẽ gọn và đẹp hơn. Phần cánh tay có biên độ cử động tốt, nó có thể nâng tối đa là ngang vai, có thể xoay ở bắp tay và gập lại ở cẳng tay.

Chúng ta sẽ có bốn cặp bàn tay thay thế với “cặp bàn tay xòe, cặp bàn tay đấm, cặp bàn tay cầm vũ khí và cặp bàn tay niệm phép”.

5.5. Legs - Chân

Phần chân nhìn khá là cứng cáp, có nhiều chi tiết máy móc. Ấn tượng nhất là phần đầu gối khi mà có các lớp giáp trồng lên nhau, trên có chi tiết móng vuốt đang giữ cuộn giấy. Phần đầu gối khi gập lại thì từng lớp giáp sẽ từ từ mở ra nhìn rất là đẹp mắt.

Phần bắp chân phía sau được thiết kế to ra nhìn khá là dị và không được đẹp cho lắm. Phần mắt cá chân có hai miếng giáp hai bên có thể xoay 360 độ. Bàn chân có chi tiết móng chim nhìn khá đẹp.

5.6. Wing - Cánh

Phần backpack phía sau lưng có thiết kế đơn giản, mang vai trò kết nối với phần cánh là chính, có một phần giáp có thể mở ra để lộ phần chốt gắn với base ở bên trong. Phần cánh nhìn cực kỳ ngầu với các chi tiết lông chim được vuốt nhọn, có thể mở ra để lộ chi tiết màu vàng gold bên trong.

Bộ cánh nhìn thì đẹp nhưng có phần hơi nhỏ. Bên nhà sản xuất có cho chúng ta các chi tiết lông chim bằng part clear, có huỳnh quang bên trong nên có thể phát sáng trong môi trường tối hoặc soi bằng đèn uv. Có lẽ đây là lý do vì sao phần cánh lại thiết kế nhỏ như vậy.

Sau khi gắn thêm lông chim thì phần cánh rất là dài, có thể ôm trọn người về phía trước và khi duỗi thẳng sang ngang thì có chiều dài lên tới 66 cm. Ngoài ra, phần cánh còn có thêm một cái chốt ở sau lưng để gắn kiếm ở phía sau lưng.

6. Accessory - Phụ kiện

6.1 Quạt Hauchiwa - Vũ Đoàn Phiến

Vũ Đoàn Phiến là bảo vật được coi là biểu tượng của Tengu, thường được làm từ lá hoặc lông vũ. Nói chung thì cái quạt trong mẫu mô hình này không phải là Hauchiwa mà là Gunbai (Uchiwa - Quân Phối Đoàn Phiến). Đây là một chiếc quạt được dùng trong chiến tranh nhằm mục đích ra tín hiệu, ngày nay thì được các trọng tài dùng trong trận đấu sumo.

Ngay từ đầu, thiết kế của nó đã không dựa trên tengu nên cái quạt nó khác cũng không có gì lạ cả. Quạt được thiết kế đẹp mắt, màu sắc cũng hài hòa với nền trắng viền xanh và điểm nhấn là các chi tiết màu vàng gold. Hai bên quạt có thể gập lại mô phỏng lại cảnh đang quạt xuống. Ngoài ra thì ta cũng có thể gắn thêm các chi tiết lông chim huỳnh quang vào, lúc này nhìn nó mới giống quạt Hauchiwa hơn.

Quạt to và dài tới 36 cm, nó còn cao và to hơn cả mô hình. Mình thì không thích cái gì nó quá to và đặc biệt còn to hơn cả mô hình nên là mình vẫn thích cái quạt bình thường không gắn lông chim hơn.

6.2 Trượng Shakujo

Đây là một món bảo vật chuyên được Tengu dùng để thi triển phép thuật hoặc đánh vật lý. Cây trượng này thì không có gì để chê cả, từ màu sắc đến thiết kế đều đẹp.

6.2 Kiếm

Phần kiếm này thì khá bình thường. Mặc dù có các chi tiết đường viền màu vàng nhưng nó cũng không làm nổi bật được thanh kiếm. Lưỡi kiếm được sơn màu bạc và chắc chắn rồi khi dọn ghẻ thì sẽ bay một mảng sơn nho nhỏ.

Tốt nhất là gắn sau lưng là ổn áp nhất. Ngoài cây kiếm bạc ra thì chúng ta được nhà sản xuất cho thêm một cái chuôi kiếm nữa, có thể gắn phần part clear huỳnh quang vào trông cũng khá đẹp.

7. Base - Giá đỡ

Phần base được thiết kế cực kỳ là to, trông giống như một khu vực triệu hồi shikigami (Sinh vật quái dị), Bốn góc có không gian để cất giữ các phụ kiện như bàn tay, khuôn mặt thay thế. Phần chân đế có thể kéo dài ra và hai bên thì có các chi tiết giá đỡ cho quạt và trượng.

8. Overview - Đánh Giá Tổng Quan

Mẫu Tengu Judge Yoshitsune của Ming Jiang Legend & Sunday Hobby 2024 là một lựa chọn tuyệt vời cho những anh em nào đam mê mô hình có sự kết hợp hoàn hảo giữa truyền thống và hiện đại, giữa thần thoại và máy móc.

Sau đây là bảng điểm tham khảo dựa trên quan điểm của HAKUDA Store:

9. Gallery - Phòng Trưng Bày

Thảo luận về chủ đề này
mail